Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Trải qua 76 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đùm bọc và nuôi dưỡng của Nhân dân, sự đoàn kết, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kế thừa và phát huy truyền thống quân sự của dân tộc, vừa chiến đấu vừa xây dựng, Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển và trưởng thành.
Trong Chính cương vắn tắt (tháng 2/1930), Luận cương Chính trị (tháng 10/1930), Đảng ta đã khẳng định con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền và giữ chính quyền. Vì vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành là Đội tự vệ đỏ (xích đỏ) trong phong trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Những năm 1940-1945, hàng loạt tổ chức vũ trang được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ (Trung Kỳ), đội Du kích Pắc Bó (Cao Bằng), Cứu Quốc quân. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và trưởng thành của phong trào đấu tranh cách mạng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.
Đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng. Đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có chi bộ Đảng lãnh đạo.
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17 giờ ngày 25/12/1944 (ngay sau ngày thành lập), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng); 7 giờ sáng ngày 26/12/1944 lại đột nhập đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), giết chết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta.
( Nhà Ông Ngô Văn Đông - nơi diễn ra hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ)
Tháng 3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác...) thành Việt Nam Giải phóng quân; đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân; xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc; phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Từ tháng 4/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, phong trào vũ trang khởi nghĩa, khởi nghĩa từng phần đã giành thắng lợi ở nhiều nơi. Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất, mang tên Việt Nam Giải phóng quân.
Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp Nhân dân đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của Nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trải qua 79 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là: Trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng; gắn bó máu thịt với Nhân dân, quân với dân một ý chí; đoàn kết nội bộ, cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng thống nhất ý chí và hành động; kỷ luật tự giác, nghiêm minh; độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công; lối sống trong sạch, lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan; luôn luôn nêu cao tinh thần ham học, cầu tiến bộ, nhạy cảm, tinh tế trong cuộc sống; đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình.
Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học… của Nhà nước và Nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây chiến, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô. Nền quốc phòng toàn dân là sự cụ thể hoá chính sách quốc phòng của Việt Nam, thể hiện ở cơ cấu tổ chức, hoạt động của các ngành, các cấp và của toàn dân theo một ý định, chiến lược thống nhất, nhằm tạo ra sức mạnh hiện thực để bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng cả lực lượng và thế trận; xây dựng tiềm lực mọi mặt, đặc biệt là tiềm lực chính trị - tinh thần; phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, Ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ba mươi tư năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
Hai là, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và an ninh cho sự phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ba là, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn và loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh và các tình huống xâm phạm an ninh quốc gia, nếu xảy ra.
Bốn là, hình thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn; “thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc.
Năm là, lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân đội nhân dân có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những thành tựu cơ bản đạt được sau 34 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
-vhxh-