Hiện nay, xã Tân Quang 657,4 ha lúa mùa đang sinh trưởng và phát triển. Trà mùa sớm đang trong giai đoạn đòng già đến thấp tho trỗ, trà mùa trung đang giai đoạn đứng cái, làm đòng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết có nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 1 số loại sâu bệnh phát sinh gây hại trên đồng ruộng như: Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ vũ hóa rải rác từ 24/8, vũ hóa rộ từ 27/8, sâu non nở rộ vào đầu tháng 9 gây hại trên lá đòng. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại nặng sau các trận mưa dông trên một giống lúa nhiễm. Ngoài ra bệnh khô vằn, đen lép hạt, đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại trên nhiều giống lúa khi gặp thời tiết bất thuận. Chuột tiếp tục gây hại rải rác trên các trà lúa, hại nặng trên diện tích lúa ven gò đống cao, khu vực thiếu nước, khu dân cư…Để bảo vệ sản xuất từ nay đến cuối vụ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn xã đã khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tập trung phun, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc 4 đúng. Cụ thể nông dân cần phun trừ sâu cuốn lá nhỏ khi mật độ sâu non từ 20 con/m2 trở lên, thời gian phun từ 02 – 07/9, sau khi phun từ 3-4 ngày phải kiểm tra lại nếu phát hiện mật độ sâu non còn cao thì phải phun nhắc lại. Phun phòng bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn sau mỗi trận mưa dông (đối với giống lúa nhiễm), lúa đã bị bệnh phải phun nhắc lại sau 3-5 ngày, Phun thuốc khi lá lúa đã khô để hạn chế lan truyền dịch vi khuẩn ra diện rộng. Phun phòng bệnh khô văn, đen lép hạt, đạo ôn cổ bông khi lúa chớm xuất hiện bệnh và bắt đầu trỗ. Khi phòng trừ các loại sâu bệnh tuyệt đối không phun thuốc vào thời gian bông lúa tung phấn (từ 9h đến 14h); Khi phun phải đảm bảo đủ 16-20 lít thuốc đã pha cho một sào. Ngoài ra nông dân tiếp tục diệt trừ chuột bằng các biện pháp trong đó chú trọng biện pháp thủ công như dùng đèn soi bắt, đập, dùng bẫy bán nguyệt.... Nghiêm cấm việc dùng điện để diệt chuột dưới mọi hình thức.
-Bảo Ngọc-